Hiện nay, các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được pháp luật cho phép gồm: Từ công ty TNHH (bao gồm cả công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên) thành công ty cổ phần; từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn; từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và ngược lại.
Các phương thức để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được quy định tại Điều 196, 197, 198, 199 Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, luật cũng phân định rõ loại hình công ty nào đổi thành loại hình khác sẽ cần những điều kiện gì. Riêng đối với loại hình công ty hợp danh, hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc cho phép loại hình công ty này được chuyển đổi loại hình, điều này xuất phát từ tình chất của công ty hợp danh.
Đối với trường hợp công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần thì phương thức chuyển đổi như sau:
· Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
· Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
· Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vố góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
· Kết hợp các phương thức trên.
Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên theo phương thức sau đây:
· Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của cất cả các cổ đông còn lại;
· Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toạn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;
· Công ty chỉ còn lại một cổ đông trong thời gian vượt quá thời hạn yêu cầu số lượng tối thiểu công ty cổ phần được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.
Công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:
· Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
· Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
· Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
· Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn kết hợp các phương thức trên đây.
Công ty tư nhân chuyển đổi thành công ty TNHH nếu đủ điều kiện sau đây:
· Trước hết, công ty phải là công ty tư nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty nếu muốn chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên hoặc là thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên;
· Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình với các khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến;
· Chủ doanh nghiệp tư nhân phải cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
· Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với các phương thức trên, theo quy định của pháp luật, khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ một bộ hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định và thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Sau đó, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp. Trong trường hợp sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp dẫn đến các thông tin trên con dấu của doanh nghiệp thay đổi thì doanh nghiệp phải tiến hành làm con dấu mới và thông báo việc sử dụng mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Lưu ý, khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải lường trước được những thủ tục và khó khăn như tiến hành thủ tục hành chính đổi con dấu pháp nhân, thủ tục về kế toán tại cơ quan thuế, bảo hiểm, ngân hàng đối tác, ngay kể cả việc ký kết hợp đồng lao động lại với người lao động.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần doanh nghiệp cần cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến cơ cấu tổ chức quản lý theo quy định của pháp luật.