thành lập công ty, dịch vụ kế toán, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập công ty

              Những quy định, hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với tài sản cố định được chuẩn hóa trong các chuẩn mực kế toán. Cụ thể như chuẩn mực kế toán 03 về Tài sản cố định hữu hình, chuẩn mực 04 về tài sản cố định vô hình, chuẩn mực 06 về thuê tài sản và các thông tư hướng dẫn. Đó là các quy định về tiêu chuẩn là Tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình, vô hình, thời điểm ghi nhận, cách xác định giá trị, khấu hao, thanh lý TSCĐ và một số các quy định khác làm cơ sở để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

I. Các chuẩn mực kế toán về tài sản cố định

Tài sản cố định là một bộ phận chủ yếu trong tổng tài sản và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp, vì vậy việc xác định một tài sản có được ghi nhận là TCSĐ hay là một khoản chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ có ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy việc xác định tài sản có phải là tài sản cố định hay không và ghi nhận giá trị bao nhiêu là rất quan trọng và phải tuân theo các quy định ghi trong chuẩn mực kế toán về tài sản cố định và các thông tư hướng dẫn.

1. Tiêu chuẩn để ghi nhận là tài sản cố định

– Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập. Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.

– Kế toán TCSĐ hữu hình được phân loại theo nhóm tài sản có cùng tính chất và mục đích sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm: Nhà cửa, vật kiến trúc; Máy móc thiết bị; Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn; Thiết bị, dụng cụ quản lý; Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm; Tài sản cố định hữu hình khác.

2. Cách xác định nguyên giá của tài sản cố định

Theo quy định tại các chuẩn mức kế toán về tài sản cố định thì tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.

  • Trường hợp TSCĐ hữu hình mua sắm:  

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

  • TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi:

Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác là giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của TSCĐ đem trao đổi (sau khi cộng thêm các khoản phải trả thêm hoặc trừ đi các khoản phải thu về) cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ (nếu có).

  • Tài sản cố định hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất:

Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

  • Nguyên giá tài sản cố định hữu hình do đầu tư xây dựng:

Nguyên giá TSCĐ do đầu tư xây dựng cơ bản hình thành theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành cộng (+) lệ phí trước bạ, các chi phí liên quan trực tiếp khác. Trường hợp TSCĐ do đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.

  • Tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa:

Nguyên giá tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp.

  • Tài sản cố định hữu hình được cấp; được điều chuyển đến:

Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến bao gồm giá trị còn lại của TSCĐ trên số kế toán ở đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật, cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp mà bên nhận tài sản phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí thuê tổ chức định giá; chi phí nâng cấp, lắp đặt, chạy thử.

Với tài sản cố định thuê tài chính cũng có những quy định cụ thể như các dạng trên.

3. Các nguyên tắc quản lý tài sản cố định

Mọi TSCĐ trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng (gồm biên bản giao nhận TSCĐ, hợp đồng, hoá đơn mua TSCĐ và các chứng từ, giấy tờ khác có liên quan). Mỗi TSCĐ phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi TSCĐ.

Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán:

Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ   

 

=

 

  Nguyên giá của tài sản cố định

 

   –

 

 Số hao mòn luỹ kế của TSCĐ

 

Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT- BTC.

Doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý đối với những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh như những TSCĐ thông thường.

II. Các quy định về trích khấu hao tài sản cố định

Giá trị phải khấu hao của TSCĐ được phân bổ một cách có hệ thống trong thời gian sử dụng hữu ích của chúng. Phương pháp khấu hao phải phù hợp với lợi ích kinh tế mà tài sản đem lại cho doanh nghiệp. Số khấu hao từng kỳ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

1.  Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định

Dưới đây là những quy định về trích khấu hao tài sản cố định doanh nghiệp cần tuân thủ:

  • Đối với tài sản cố định còn mới (chưa qua sử dụng), doanh nghiệp phải căn cứ vào khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT- BTC để xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.
  • Đối với tài sản cố định đã qua sử dụng, thời gian trích khấu hao của tài sản cố định được xác định như sau:

Thời gian trích khấu hao của TSCĐ = (Giá trị hợp lý của TSCĐ/Giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100%) x Thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới cùng loại xác định theo Phụ lục 1

Trong đó: Giá trị hợp lý của TSCĐ là giá mua hoặc trao đổi thực tế (trong trường hợp mua bán, trao đổi), giá trị còn lại của TSCĐ hoặc giá trị theo đánh giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá (trong trường hợp được cho, được biếu, được tặng, được cấp, được điều chuyển đến) và các trường hợp khác.

Trường hợp có các yếu tố tác động (như việc nâng cấp hay tháo dỡ một hay một số bộ phận của tài sản cố định) nhằm kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sử dụng đã xác định trước đó của tài sản cố định, doanh nghiệp tiến hành xác định lại thời gian trích khấu hao của tài sản cố định.

2. Các phương pháp trích khấu hao theo quy định:

a)    Phương pháp khấu hao đường thẳng.

– Phương pháp khấu hao đường thẳng là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh.

– Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ. Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao nhanh là máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm; thiết bị và phương tiện vận tải; dụng cụ quản lý; súc vật, vườn cây lâu năm. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi

b)    Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh

– Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh được áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có công nghệ đòi hỏi phải thay đổi, phát triển nhanh.

TSCĐ tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh phải thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:

– Là tài sản cố định đầu tư mới (chưa qua sử dụng);

– Là các loại máy móc, thiết bị; dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm.

c)    Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm

– Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao theo phương pháp này là các loại máy móc, thiết bị thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

– Trực tiếp liên quan đến việc sản xuất sản phẩm;

– Xác định được tổng số lượng, khối lượng sản phẩm sản xuất theo công suất thiết kế của tài sản cố định;

– Công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm tài chính không thấp hơn 100% công suất thiết kế.

Việc hoạch toán những nghiệp vụ này sao cho đúng với chuẩn mục kế toán về tài sản cố định đòi hỏi doanh nghiệp phải có được những kiến thức cơ bản. Kế toán Thuế phải được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ.

Giúp Doanh nghiệp tiết kiệm hơn về chi phí kế toán và tư vấn Thuế.Vui lòng gọi Hotline: 028 66 76 8293 Giờ hành chính!

 

Nội dung liên quan

Quy định mới nhất về thuế GTGT, TNCN đối với Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Một số nội dung nổi bật tại Thông tư về thuế GTGT, thuế TNCN với hộ, cá nhân kinh doanh

Xem chi tiết

Quy định mới về nộp thuế khi bán hàng online

Các loại thuế phải nộp khi bán hàng online là những thuế nào? Bán hàng online được tính thuế theo phương pháp nào? Ngoài thuế GTGT và thuế TNCN bán hàng online còn phải nộp phí gì?

Xem chi tiết

Cách xác định nguyên giá TSCĐ theo chuẩn mực kế toán

Những quy định, hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với tài sản cố định được chuẩn hóa trong các chuẩn mực kế toán. Cụ thể như chuẩn mực kế toán 03 về Tài sản cố định hữu hình, chuẩn mực 04 về tài sản cố định vô hình, chuẩn mực 06 về thuê tài sản và các thông tư hướng dẫn. Đó là các quy định về tiêu chuẩn là Tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình, vô hình, thời điểm ghi nhận...

Xem chi tiết

Một số lưu ý đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Một số lưu ý đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Xem chi tiết

call 0932615663