Hiện nay tôi mới mở một quán ăn chuyên về ẩm thực Hàn Quốc và tôi đã có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tôi còn thắc mắc một vấn đề là trong trường hợp quán của tôi gây ngộ độc thực phẩm cho khách thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Trả lời
Hiện nay, ngày càng xuất hiện thêm nhiều quán ăn vì văn hóa ẩm thực ở nước ta vô cùng phong phú. Bên cạnh việc món ăn đó ngon hay bắt mắt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần phải hết sức chú trọng. Tình trạng quán ăn gây ngộ độc thực phẩm không còn hiếm thấy. Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bị trúng độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia…Đã có không ít những trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do dùng thực phẩm chế biến sẵn tại nhà hàng hay quán ăn. Để khắc phục và ngăn chặn tình trạng này, pháp luật có những mức xử phạt nhất định mà các cơ sở kinh doanh thực phẩm nên nắm được để tránh phạm phải. Cụ thể như sau:
Tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 nêu rõ người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Trường hợp cơ sở kinh doanh thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 6 và Điểm a khoản 8 Điều 22 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.
“6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người;”
“8. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 40-50 triệu đồng với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của 1 đến 4 người.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi : Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của năm người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Ngoài ra, nếu khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của cơ sở kinh doanh thực phẩm nào thì cơ sở đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng theo theo quy định tại chương 20 Bộ luật Dân sự 2015 . Trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 590 Luật này, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe …
Ngoài ra, còn có thể phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị ngộ độc.
→ Sức khỏe con người rất quan trọng, vì thế mức xử phạt dành cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm gây ngộ độc phải đủ sức răn đe. Để việc kinh doanh quán ăn được diễn ra tốt đẹp, quán ăn của bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng gây ngộ độc cho người tiêu dùng.